Trong bối cảnh y tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Phòng Điều dưỡng phối hợp với Viện Đào tạo và Nghiên cứu y dược, Bệnh viên Bạch Mai tổ chức Khóa Tập huấn Xây dựng danh mục chẩn đoán điều dưỡng và sử dụng Hồ sơ bệnh án điện tử. Khóa tập huấn không chỉ là bước tiến quan trọng trong hội nhập chuyên môn mà còn hành động để hiện thực hóa sứ mệnh "Chăm sóc bằng cả trái tim - Chuẩn mực bằng tri thức" thông qua những giải pháp số tiên tiến nhất.
Chuẩn hóa NANDA-NIC-NOC, ứng dụng AI trong bệnh án điện tử - Nâng tầm chất lượng điều dưỡng vì người bệnh
Thứ bảy, ngày 12/4 trong khi nhiều gia đình đang thư thả tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần thì gần 100 cán bộ chuyên viên Phòng điều dưỡng, điều dưỡng trưởng các đơn vị, mạng lưới đào tạo điều dưỡng các đơn vị của Bệnh viện Bạch Mai tụ hội để tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn của người điều dưỡng. Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Cùng với việc mở rộng hợp tác chuyên môn, Bệnh viện Bạch Mai luôn tích cực thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong công tác điều trị và chăm sóc, phù hợp với định hướng phát triển dựa trên 6 trụ cột chiến lược mà bệnh viện đang triển khai, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Một trong những nội dung then chốt trong chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc hiện nay là việc xây dựng và áp dụng danh mục chẩn đoán điều dưỡng theo các hệ thống phân loại quốc tế như NANDA, NIC, NOC. Đây không chỉ là công cụ giúp chuẩn hóa hoạt động điều dưỡng mà còn là cơ sở để tích hợp hiệu quả vào hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và khẳng định rõ hơn vai trò của người điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu khai mạc khóa tập huấn
Trong không khí học tập, làm việc nghiêm túc nhưng không kém phần sôi nổi, các học viên đã được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu nhất về hệ thống NANDA-NIC-NOC - bộ công cụ vàng trong thực hành điều dưỡng hiện đại. Trên cương vị Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai - TS. Bùi Minh Thu cho biết: Điểm nhấn đặc biệt ở buổi tập huấn không chỉ là kiến thức về 277 chẩn đoán điều dưỡng theo tiêu chuẩn NANDA mới nhất, mà còn hướng dẫn cách thức kết nối chúng với 610 can thiệp điều dưỡng (NIC) và 612 chỉ số đánh giá kết quả (NOC) một cách hệ thống. "Điều kỳ diệu là từ 3 chữ N này, người điều dưỡng có thể xây dựng nên những kế hoạch chăm sóc cá thể hóa, nơi mỗi người bệnh đều được lắng nghe và thấu hiểu". TS. Bùi Minh Thu đặc biệt nhấn mạnh đến sự thay đổi trong tư duy: Từ chỗ chỉ thực hiện y lệnh một cách thụ động, điều dưỡng viên giờ đây đã trở thành những "kiến trúc sư" thực thụ trong việc xây dựng kế hoạch chăm sóc người bệnh với 277 chẩn đoán, 610 can thiệp và 612 chỉ số đánh giá làm công cụ.
Công nghệ số - Ngọn lửa hồng kết nối trái tim người điều dưỡng
BS. Phan Văn Dũng, Thành viên chủ chốt Hội đồng điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đưa các học viên trở lại những năm 1950 của thế kỷ XX: Khi ngành điều dưỡng thế giới mới manh nha ý tưởng về chẩn đoán điều dưỡng. Cho đến năm 1973 thì khái niệm Chẩn đoán điều dưỡng chính thức được xác lập để lên kế hoạch chăm sóc người bệnh của điều dưỡng dựa trên 3N: NANDA-NIC-NOC. “Chẩn đoán điều dưỡng là việc nhận định về đáp ứng của cơ thể người bệnh với tình trạng sức khỏe. Việc chẩn đoán điều dưỡng là cơ sở để lựa chọn các can thiệp chăm sóc điều dưỡng nhằm đạt kết quả mong muốn trong phạm vi chuyên môn của điều dưỡng”, BS. Dũng chia sẻ.
Xuyêt suốt buổi tập huấn, dưới sự hướng dẫn tận tình của BS. Phan Văn Dũng và ThS. Nguyễn Quế Trân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các học viên đã có cơ hội tiếp cận từ lý thuyết đến thực hành xây dựng kế hoạch chăm sóc cụ thể. Nội dung bài giảng cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp NANDA-NIC-NOC - bộ tiêu chuẩn vàng của điều dưỡng thế giới với hệ thống bệnh án điện tử thông minh. Đây chính là bước đi chiến lược để Bạch Mai tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế như JCI.
NANDA (Chẩn đoán điều dưỡng): Sử dụng 277 danh mục cập nhật 2024 để xác định chính xác vấn đề người bệnh, bao gồm:
Chẩn đoán hiện tại (Ví dụ: "Đau cấp tính - NANDA 00132 liên quan đến tổn thương mô").
Chẩn đoán nguy cơ (Ví dụ: "Nguy cơ huyết khối - NANDA 00291 do bất động kéo dài").
NIC (Can thiệp điều dưỡng): Áp dụng 610 can thiệp chuẩn từ chăm sóc hô hấp đến phục hồi chức năng, cá thể hóa theo nhu cầu từng người bệnh.
NOC (Lượng giá kết quả): Đo lường hiệu quả bằng 612 chỉ số định lượng (Ví dụ: "Cải thiện khả năng vận động - NOC 0208").
Trong phần thực hành, các học viên đã được trải nghiệm quy trình 5 bước hiện đại: Nhận định toàn diện bằng phần mềm thu thập dữ liệu đa chiều; Chẩn đoán chính xác với hệ thống gợi ý từ NANDA; Lập kế hoạch cá thể hóa thông qua thư viện NIC; Thực hiện can thiệp có sự hỗ trợ của hệ thống cảnh báo thông minh; Đánh giá kết quả bằng các chỉ số NOC được số hóa. Những trao đổi sôi nổi, những thắc mắc được giải đáp tận tình đã tạo nên không khí học tập tích cực, nơi kiến thức không chỉ được truyền đạt một chiều mà còn được kiểm chứng qua các tình huống lâm sàng thực tế.
Kết thúc khóa học nhưng dư âm lan tỏa
Khi ánh chiều dần buông, khoá tập huấn khép lại với những kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật kiến thức, chương trình còn mở ra một chân trời mới - nơi công nghệ số và chuẩn mực quốc tế song hành cùng nhau để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Những kiến thức thu nhận được hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc giúp đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tiến những bước dài trên con đường chuyên nghiệp hóa, hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu về chăm sóc người bệnh toàn diện. PGS.TS. Nguyễn Tuấn Tùng khẳng định: "Đây là bước đi chiến lược của Bệnh viện Bạch Mai trong hành trình hội nhập với y học thế giới."
Với những kiến thức thu nhận được, đội ngũ điều dưỡng Bạch Mai đang từng bước hiện thực hóa sứ mệnh "Chăm sóc bằng cả trái tim - Chuẩn mực bằng tri thức", mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân Việt Nam. "Trong kỷ nguyên số, điều dưỡng không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn cần trái tim biết lắng nghe và khối óc biết tư duy công nghệ. Đó chính là thông điệp xuyên suốt của khoá tập huấn đặc biệt này. Công nghệ không thay thế được trái tim người điều dưỡng, nhưng nó giúp chúng ta có thêm thời gian để lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng người bệnh. Hôm nay, chúng tôi không chỉ học về quy trình mà nguyện cùng nhau viết nên trang sử mới cho ngành điều dưỡng Việt Nam. Nơi mà công nghệ số sẽ trở thành cánh tay đắc lực, giúp nhân viên y tế nói chung và người điều dưỡng nói riêng chăm sóc người bệnh bằng cả trí tuệ và trái tim”, tiến sĩ Bùi Minh Thu chia sẻ khi khóa học kết thúc.
Có thể khẳng định, đây không chỉ là một khoá tập huấn thông thường, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Bệnh viện Bạch Mai trong việc kết hợp hài hòa giữa y học hiện đại và công nghệ tiên tiến, vì một nền y tế chất lượng cao, vì sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh.