Hà Nội, một ngày cuối xuân, chiếc xe cứu thương từ Bệnh viện Bạch Mai chầm chậm chuyển bánh, lăn qua những con phố ngập ánh đèn vàng trong làn mưa lất phất. Những hạt nước mỏng tang rơi trên kính xe như những giọt nước mắt trời xót thương, làm dịu đi cái oi nồng đầu hạ đang len lỏi vào Hà Nội. Trong khoang xe, ông Phạm Toán (60 tuổi) và 2 người em ngồi lặng bên chiếc cáng - anh Phạm Minh Thuận - người vừa ra đi ở tuổi 35 sau khi hiến tặng trái tim, đôi mắt và một phần cuộc đời mình.
"Về nhà con nhé!", ông Toán thì thào, đôi tay run run chạm vào cơ thể con. Chỉ 48 giờ trước, anh Thuận còn là một người bệnh chết não tại Trung tâm Hồi sức tích cực. Khi các bác sĩ Bạch Mai đề nghị hiến tạng, người cha ấy gật đầu trong im lặng. Ông nhớ như in lời con trai từng nói năm xưa: "Cha ơi, ở đời có những cái chết biến thành hạt giống. Con muốn mình là hạt giống như thế".
Kíp phẫu thuật dành một phút mặc niệm để tri ân nghĩa cử cao đẹp của anh Thuận
Hôm ấy, khi bàn giao thi thể anh Thuận cho đoàn xe về cố hương, một nữ điều phối viên ghép tạng đã niệm thầm trong tâm: “Cảm ơn em - Người gieo mầm sự sống. Em bình an về cõi lành nhé!". Cô nói với ông Toán: "Con trai chú vẫn đang sống trong cuộc đời này. Trái tim em sẽ tiếp tục đập trong lồng ngực một bệnh nhân suy tim, nhìn thế giới qua đôi mắt của người mù loà và cứu ít nhất ba gia đình khác". Bác Toán tâm sự: "Con trai tôi sống tốt với bạn bè lắm. Bận thì bận nhưng ai có việc là đều sẵn lòng hỗ trợ"...
Hành trình trở về của lòng nhân ái
Suốt chặng đường hơn 700 km xuyên đêm từ Hà Nội về Huế, cơn mưa đầu hạ vẫn dìu dịu theo đoàn xe như một lời đồng hành của đất trời. Bánh xe lăn qua 7 tỉnh thành, lúc vội vã, lúc chậm rãi, có những khoảnh khắc dừng lại để gia đình nghỉ ngơi, nhưng trái tim của những người trong cuộc chưa một phút ngừng thổn thức. Khi ánh sáng đầu tiên của ngày mới vừa ló rạng, chiếc xe đã về đến Phong Điền. Cả xóm nhỏ rưng rưng ra đón, những cái ôm nồng ấm, những bàn tay siết chặt của họ hàng, xóm giềng giúp xóa tan mệt mỏi của hành trình. Đại diện gia đình nghẹn ngào tâm sự: "Chúng tôi biết ơn Bệnh viện Bạch Mai không chỉ vì đã tận tâm cứu chữa, mà còn vì giúp cháu Thuận thực hiện được nghĩa cử cao đẹp. Đây là niềm tự hào không chỉ của gia đình cháu Thuận mà còn là tấm gương sáng cho cả họ tộc chúng tôi!".
Trái tim anh sẽ tiếp tục đập trong lồng ngực một bệnh nhân suy tim!
Giữa tiếng nấc nghẹn của người thân, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân (mẹ anh Thuận) lặng lẽ bước tới bên con. Đôi tay gầy guộc của người mẹ nông dân run run đặt lên quan tài, giọng bà nhẹ lan theo gió: "Con đã về nhà rồi! Những phần tạng con hiến tặng sẽ sống mãi trên cõi nhân gian này. Cha mẹ, các em và các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã giúp con hoàn thành những ước nguyện khi con còn sống đã sẵn lòng trao đi".
Thông điệp từ những giọt mưa
Câu chuyện của anh Thuận không chỉ là nghĩa cử hiến tạng thông thường. Đó là bài học về sự hòa điệu kỳ diệu giữa lòng người và vũ trụ, nơi mỗi giọt mưa rơi xuống như một nốt nhạc xoa dịu cho khúc bi ca của sự sống và cái chết.
Những hạt mưa cuối mùa chạm nhẹ lên nắp quan tài, không phải là lời vĩnh biệt, mà như bàn tay thiên nhiên khẽ vuốt ve một tâm hồn thiện lương. Mưa rơi để đất mẹ đón con về, cũng như tạng hiến sẽ hóa thành mạch nước ngầm nuôi dưỡng sự sống khác.
Tấm lòng thiện lương của anh Thuận - người công nhân quét sơn với đôi bàn tay nứt nẻ chưa từng đặt chân lên giảng đường y khoa, nhưng đã trở thành “vị bác sĩ không khoác blouse trắng". Anh cứu người không bằng y thuật, mà bằng trái tim thấm đẫm nghĩa tình, bằng chính sự cho đi của mình. “Ngành Y và xã hội luôn đề cao 2 chữ “y đức”, nhưng thiện duyên mà gia đình anh Thuận trao đi đã chỉ cho chúng tôi rằng “đức” đôi khi đến từ sự hy sinh, dâng hiến vô cùng vĩ đại bởi những con người mộc mạc, những tâm hồn bình dị nhất”, một thành viên trong kíp hỗ trợ gia đình anh Thuận tâm sự.
Và đôi mắt của người mù loà sẽ nhìn được ánh sáng của Thế giới nhờ giác mạc của anh!
Câu chuyện về sự trao đi không chút đắn đo của gia đình anh Thuận làm bật lên giáo lý của nhà Phật về nhân quả. Gia đình anh Thuận từng nhận những ưu đãi từ chính sách xã hội thì nay trả ơn đời bằng món quà vô giá - đó là nối dài sự sống cho những người đang ngấp nghé ngưỡng cửa tử. Như hạt lúa gieo xuống đất cằn, họ trao đi phần còn lại của một cuộc đời để những cuộc đời khác đơm hoa.
Và phía sau cơn mưa ấy, có một điều giản đơn: Sự sống không bao giờ là hữu hạn. Nó chỉ chuyển mình từ dạng này sang dạng khác, khi thì thành nhịp tim hồi sinh trong lồng ngực một người lạ, khi hóa thân thành giọt nước mắt hạnh phúc của người mù được thấy lăng kính muôn màu của cuộc sống. Anh Thuận đã về với đất, nhưng mưa vẫn rơi như nhắc nhở rằng "cho đi là cách duy nhất để tồn tại vĩnh hằng".
Chiều nay, tại nghĩa trang làng Phong Điền, nấm mộ của anh Thuận được đánh dấu bằng một cây non - giống hoa địa lan trắng, loài hoa chịu hạn tốt nhưng chỉ nở rộ sau những cơn mưa.