Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là tình trạng thận mất hoàn toàn chức năng khiến người bệnh bắt buộc phải thực hiện các phương pháp điều trị thay thế như lọc màng bụng, lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận. Trong các lựa chọn này, lọc màng bụng, đặc biệt lọc màng bụng bằng máy là phương pháp có nhiều ưu điểm về chất lượng điều trị cũng như kinh tế y tế.
Bắt đầu từ Bệnh viện Bạch Mai, lọc màng bụng đã được triển khai tại Việt Nam suốt hơn 20 năm qua. Trong thời gian gần đây, nhờ các chương trình chuyển giao kỹ thuật và đào tạo, phương pháp này đang dần được nhân rộng, đặc biệt tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc. Tuy vậy, so với một số nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung, quy mô và chất lượng lọc màng bụng ở nước ta vẫn chưa được phát triển tương xưng.
Nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực lọc màng bụng, Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Lọc màng bụng tại nhà - Tiếp cận đầu tiên cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối”, quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia thận tiết niệu đầu ngành và đông đảo nhân viên y tế.
Tại hội thảo, TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế có nhiều ưu điểm. Có hai cách lọc màng bụng: Lọc màng bụng bằng máy và lọc màng bụng bằng tay. Với cả hai phương pháp này, bệnh nhân đều có thể tự thực hiện tại nhà, chỉ cần tái khám định kỳ hàng tháng thay vì 12-16 lần đi lọc máu chu kỳ. Do đó, lọc màng bụng đặc biệt phù hợp cho những người đang trong độ tuổi lao động, học tập hoặc sống xa cơ sở y tế. Hơn nữa, lọc màng bụng bằng máy được thực hiện chủ yếu vào ban đêm, giúp người bệnh duy trì cuộc sống bình thường vào ban ngày, có thể lao động, tham gia hoạt động xã hội, đi du lịch, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Về mặt chuyên môn, nếu bệnh nhân tuân thủ tốt theo quy trình lọc màng bụng, phương pháp này sẽ giúp bảo vệ chức năng thận tồn dư lâu dài, giảm được các biến nhiễm trùng so với lọc máu, trong khi chế độ ăn không cần thực hiện quá nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, lọc màng bụng giúp giảm đáng kể gánh nặng chăm sóc của người thân so với lọc máu chu kỳ, thể hiện qua tỷ lệ người bệnh cần hỗ trợ chăm sóc thấp hơn rõ rệt (13% ở bệnh nhân lọc màng bụng so với 35% ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ).
TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Thận và Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) đánh giá cao lợi ích của lọc màng bụng bằng máy đối với trẻ em. Theo TS. Hương, lọc màng bụng là lựa chọn ưu tiên hàng đầu với trẻ do những ưu điểm về cấu tạo cơ thể như màng bụng rộng, dễ dàng lọc thải các chất độc. Phương pháp này không chỉ giúp bảo tồn chức năng thận tồn dư hiệu quả mà còn giúp trẻ phát triển bình thường nhờ chế độ ăn uống ít kiêng khem. TS.BS Nguyễn Thu Hương cũng nhấn mạnh chất lượng của lọc màng bụng bằng máy: “Lọc màng bụng với máy lọc tự động được thiết kế để giảm thiểu số lần trao đổi dịch bằng tay. Phương pháp cho phép điều chỉnh chương trình lọc thích hợp cho từng cá nhân. Lọc màng bụng bằng máy mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, người chăm sóc, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm tải cho hệ thống y tế, thể hiện qua việc cải thiện tỷ lệ sống còn, bảo tồn chức năng thận tồn dư, kéo dài tuổi thọ của phương pháp, giảm tỷ lệ viêm phúc mạc... Chất lượng cuộc sống được nâng cao, người bệnh có thể tham gia các hoạt động xã hội (đi làm, đi học) và giảm áp lực tâm lý cho người chăm sóc. Lọc màng bụng bằng máy đã được triển khai rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em với tỷ lệ sử dụng lên tới khoảng 70%. Tuy nhiên, tại Việt Nam lọc màng bụng bằng máy cần có sự hỗ trợ các chính sách chi trả bảo hiểm, vật tư đi kèm… để có thể phát triển mạnh trong tương lai”.
Từ góc độ lâm sàng, BSCKII. Lê Thị Tiến - Phó trưởng khoa Nội Thận & Nội Tiết (Bệnh viện Đà Nẵng) cũng khẳng định, lọc màng bụng bằng máy đã chứng minh hiệu quả cao trong thực tiễn điều trị, đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền phức tạp như suy tim hoặc không thể áp dụng phương pháp lọc bằng tay hay lọc máu chu kỳ. Việc triển khai lọc màng bụng bằng máy linh hoạt và sớm sau khi đặt catheter giúp cải thiện đáng kể khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, người trực tiếp quản lý lọc màng bụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, bổ sung rằng lọc màng bụng là lựa chọn hàng đầu, tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng chăm sóc và góp phần giảm tải đáng kể cho hệ thống lọc máu chu kỳ. Ngoài ra, ông nhấn mạnh vai trò của công tác tư vấn đầy đủ để giúp bệnh nhân hiểu rõ phương pháp, tăng tuân thủ điều trị và giảm nguy cơ biến chứng.
Qua những chia sẻ từ các chuyên gia tại hội thảo, có thể thấy lọc màng bụng, đặc biệt lọc màng bụng bằng máy tại nhà là phương pháp điều trị thay thế thận suy hiệu quả, cải thiện rõ rệt chất lượng sống cho bệnh nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế. Hội thảo lần này đã góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết, cập nhật kiến thức mới nhất cho đội ngũ y bác sĩ và mở ra nhiều cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối tại Việt Nam.